Bác Hồ viết Di chúc

Bạn đọc đều biết Bác để ra bốn năm (l0/5/1965 - l0/5/1969) để viết bản Di chúc gần 800 từ (bản công bố năm 1969), kết tinh một cuộc đời hoạt động diễn ra trong phần lớn thế kỷ XX, thế kỷ đã chứng kiến những biến đổi cách mạng sâu rộng nhất trên khắp các lục địa và trong lịch sử loài người. Tôi biết rất rõ Bác đã mất nhiều thời gian để ôn lại, để đánh giá những điều mình đã trải trong đời hoạt động biết bao phong phú và đa dạng ở rất nhiều nơi, gặp biết bao cảnh ngộ gian nguy, và cuối cùng vượt qua được tất cả bởi ý chí kiên cường và đức tin vào thắng lợi cuối cùng. Một cuộc đời như vậy rút lại trên vài trang giấy.

Trong bản thảo viết tay của những lời dặn cuối cùng, mọi người chúng ta đều thấy có một số đoạn Bác để lại những dấu tích chứng tỏ Bác còn suy nghĩ, chưa phải đã thật hài lòng. Như Bác đã nói, Bác chỉ để lại mấy lời, như vậy những lời đó càng quan trọng và giàu ý nghĩa biết bao.

Dưới đây tôi thấy cần nhắc lại nguyên văn một số đoạn trong những lời quý giá đó:

Về Đảng:

“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

… Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”

Về thanh niên, thế hệ mai sau:

“ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Và đây là đoạn kết:

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trong lúc ôn lại văn kiện cực kỳ quan trọng này, tôi thấy cần nhắc một điều căn dặn đã gây xúc động rộng rãi trong đồng bào ta: đó là điều có liên quan đến việc mai táng sau khi Bác mất. Về quyết định của cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước bảo tồn thi hài của Bác và xây một cái lăng để đồng bào, nhất là đồng bào miền Nam, và người nước ngoài đến thăm viếng Bác, cần phải khẳng định một lần nữa rằng đó là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, được đồng bào hoan nghênh. Tuy nhiên, sau khi nhắc lại quyết định này, tôi cần nói sự suy nghĩ của tôi về những điều Bác căn dặn. Ở đây, tôi cũng thấy không có cách nào hơn là ghi lại nguyên văn những điều Bác mong muốn:

“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.

Chúng ta đứng trước một con người rất đẹp, một tâm hồn rất đẹp, một cách làm rất đẹp, và như vậy tôi nghĩ trong lúc yên giấc nghìn thu, Bác Hồ sẽ luôn luôn sống với non sông đất nước, sống với cỏ cây hoa lá, sống với đồng bào, đồng chí, sống với các cụ già và các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Vào cuối đời, Bác trăn trở nhiều, tìm điều gì thiết thực có thể làm ngay cho dân, cho những người khó khăn, thiếu thốn nhất, thể hiện trong những đoạn Bác dành để căn dặn về những việc cần chú ý làm cho con người, cho mỗi tầng lớp nhân dân,... đặc biệt là việc miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân.

Về những lời dặn cuối cùng của Hồ Chí Minh, không chỉ đồng bào nước ta mà người nước ngoài khắp bốn biển năm châu đều rất xúc động khi đọc bản Di chúc. Mọi người đều coi đây là một văn kiện chứa đựng những tư tưởng và tình cảm tuyệt đẹp, sâu xa và giản dị như con người của Bác Hồ. Tôi thấy không cần nhắc lại những gì người trong nước và nước ngoài nói về áng văn này. Tôi chỉ kể một câu chuyện, là tôi có gặp một vị nữ giáo sư đại học Ấn Độ, bà nói với tôi rằng bà đã dùng những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để dạy sinh viên trường đại học của bà.
0 Responses